Tình hình là gần đây mình mới tham gia một server Discord từ voz. Anh em vozer chủ yếu dùng server này để thảo luận các vấn đề liên quan đến tìm kiếm cơ hội làm việc ở các nước châu Âu và châu Mỹ, thế nên thi thoảng anh em cũng dành thời gian voice chat với nhau luyện tiếng Anh. Nhiều anh em cũng quan tâm tới việc rèn luyện như thế nào để sử dụng tiếng Anh tốt hơn, điều này thúc đẩy mình viết một bài chia sẻ quá trình học của mình. Dù sao thì thời đại hội nhập, chúng ta không thể nói tiếng Việt mãi được.

Xin phép nói trước, quá trình học của mình khá là dài hơi chứ không phải một sớm một chiều. Nếu bạn đang tìm kiếm các điểm cần chú ý để tăng điểm chứng chỉ tiếng Anh của bạn trong thời gian ngắn, ví dụ như từ 6.0 lên 8.0 IELTS trong 1 tháng, thì bài viết này của mình là vô dụng.

Hoàn cảnh ngày ấy

Mình không hề có xuất phát điểm tốt về tiếng Anh như nhiều người mới gặp hay nghĩ, thế nên khi mình bảo là mình không có bí quyết gì trong việc học tiếng Anh họ không tin và bảo mình giấu nghề. Thế nên mình nghĩ sẽ tốt hơn một chút nếu mọi người biết rõ hơn về mình lúc ấy và tại sao mình chọn con đường hiện tại.

Mình tốt nghiệp cấp ba năm 2012, với điểm phẩy môn tiếng Anh cấp 3 chưa bao giờ cao quá 6.9. Các giờ học tiếng Anh mình chỉ ngồi giải đề ôn thi Đại học - ngày ấy thi Tốt nghiệp với Đại học là tách riêng ra chứ không gộp chung lại như các bạn 97 đổ đi. Nếu không có đề đóm gì hôm đó để giải, mình sẽ… ngồi đánh caro với thằng ngồi cạnh hoặc mượn iPod Touch của thằng bạn để đua xe. Mấy hôm cô giáo tiếng Anh ngứa mắt, bảo buổi sau các cậu mà còn làm việc riêng thì xin mời ra khỏi lớp. Mình cũng xởi lởi xin phép cô cho ra ngoài luôn tiết hôm đấy cho cô đỡ phải bực mình. Cho tới tận khi thi xong tốt nghiệp, trình độ tiếng Anh của mình không có gì khác ngoài “hê lô hao a diu”, “am phai thanh kiu”.

Như vậy nghĩa là đến tận giữa năm 2012 mình không chỉ ngu tiếng Anh mà lại còn cứng đầu nhất quyết không học.

Đỗ đại học và câu chuyện vừa học vừa xem phim

Các cụ dạy kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt. Khi đỗ đại học, mình phải làm quen với tư tưởng mới. Môn tiếng Anh, cái môn mình không học một chữ nào trong những năm cấp 3, tự nhiên trở nên hết sức quan trọng.

Mình xác định là phải học tiếng Anh bằng mọi giá. Học không phải là để thi lấy IELTS cao hay TOEIC khủng, mà học là để dùng, để phục vụ công việc và nhu cầu học hỏi của bản thân. Nhưng vừa thi đại học xong, độ lười vẫn còn quá lớn để xách đít đi trung tâm học, mình ngồi… cày phim =))

Truyền hình cáp có cái kênh HBO với Star Movies, toàn phim hay. Mình ngồi xem từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối xem hết phim này đến phim khác. Chán cũng xem, hay lại càng xem. Vừa xem mình vừa để ý cách người ta giao tiếp trong phim. Phụ đề của phim toàn tiếng Việt, mình phải vừa nghe, vừa đọc, vừa luận ra xem diễn viên họ vừa nói cái gì. Ban đầu thì chậm, toàn lỡ mất tình tiết của phim, về sau quen dần thì nhanh hơn. Trở ngại là có những từ mình nghe xong, biết ý nghĩa nhưng cũng không biết là phải viết như thế nào. Hoặc có những câu thoại người ta dịch thoát ý, nếu bám theo từng từ một với phụ đề thì sẽ chẳng hiểu gì cả.

Thế là mình hì hục ngồi cắm torrent mấy bộ hay ho mà chưa xem cùng đủ bộ phụ đề tiếng Anh và tiếng Việt. Rồi mất một buổi chiều tìm cách config VLC sao cho nó hiện được cả hai phụ đề một lúc. Thế là giờ mình xem toàn phụ đề tiếng Anh, dòng nào không hiểu thì đá lên nhìn phụ đề Việt, không hiểu nữa thì quay lại xem đoạn đó (dù đôi khi lười với mải xem phim nên kệ).

Đại để là có hai phụ đề trông nó sẽ như này.

Hồi ấy sinh viên mới vào Bách Khoa sẽ phải thi TOEIC đầu khóa, không biết giờ còn phải thi không. Hôm nhập học, biết tin phải thi mình cuống quít hết cả lên, cũng định google mánh lấy điểm cao. Nhưng về đến nhà thì lại tặc lưỡi thôi kệ, cứ thi bình thường, điểm thấp thì học chứ trốn sao được. Thế mà lớ dớ như nào lại qua - trường lấy mốc 450 mình được 460 hay 470 gì đó, đại để là vừa khít. Mấy tháng cày phim cũng có tác dụng ra phết. :sexy:

Cũng tí tởn đi học trung tâm như ai

Năm nhất thì mình mò đi lên một lớp tiếng Anh trên Núi Trúc, học trong trường Hà Nội - Amsterdam cũ. Hồi ấy biết cái đếch gì đâu, bạn rủ đi thì đi thôi. Lớp học buổi tối, học theo kiểu lý thuyết như hồi cấp 3 ấy, tức là cũng có một cô giáo đứng tuổi, một cái bảng ghi đầy các công thức S với V nhìn hoa cả mắt, trước mặt là một tờ A4 kín hai mặt toàn bài tập. Mình cũng cố gắng tập trung học lắm cho đỡ tốn tiền, nhưng chỉ được đâu đó nửa tiếng là ngủ cmn mất.

Trong lớp toàn các bé thi khối D hoặc các anh chị lớn tuổi vẫn đang mặc quần âu sơ mi từ văn phòng ra. Mình vào học chả quen ai, chả nói chuyện gì, học thì không vào nên cuối cùng lại quay ra môn thể thao ngắm gái. Sở dĩ có môn thể thao này vì một cô bé sinh năm 96 học Phạm Hồng Thái xinh vcl ngồi cạnh mình. Mấy lần định làm quen mà mặc cảm học ngu nên không dám. Cá biệt có một lần cô giáo pha trò bỏ mẹ gì ấy bằng tiếng Anh, cả lớp cười. Không phải cười phụ họa cho cô giáo vui đâu, cười lăn cười bò, cười long trời lở đất luôn ấy. Ai cũng cười, mỗi mình đéo hiểu cô nói gì nên ngậm tăm, xong cô bé ấy còn quay ra hỏi: “Anh không thấy buồn cười à” như kiểu mình là thằng nhạt nhẽo lắm. Lúc ấy thanh minh hay không cũng ăn hành, nên đành thôi. :sosad: Đấy, những gì mình nhớ trong quãng thời gian học cái trung tâm ấy chỉ có vậy thôi.

Sau đấy thì mình đi học khóa ngữ pháp ở trung tâm Lê Na - đúng rồi đấy, cô giáo bò cạp =))). Giờ thì hình như trung tâm cũng sập sau vụ cung bò cạp rồi nên chắc mình không mang danh seeder đâu nhỉ?

Trung tâm Lê Na có một cái trò là cam kết đầu ra TOEIC/IELTS/TOEFL gì đó, nếu học viên không đạt yêu cầu thì sẽ cho phép học lại đến khi nào đạt chỉ tiêu thì thôi. Giờ nhiều trung tâm cũng chơi trò này lắm. Nghe tưởng ngon nhưng thực ra không ngon tí nào. Hồi sinh viên mình cũng nhẹ dạ cả tin nên cứ thế cắm đầu nôn tiền ra đi học.

Thứ nhất là các trung tâm bao giờ cũng đi kèm yêu cầu như đi học đủ, làm bài đủ, làm bài đúng nọ kia. OK thì cũng đúng thôi, anh mà lười có giời giúp được anh. Nhưng cái vụ bài phải làm đúng nó khắm đéo tả. Nếu tôi làm bài đúng suốt thì tôi đi học làm cái đéo gì, ơ hay?

Thứ hai là cảm giác học lại nó không vui vẻ gì. Anh em nào là sinh viên đi trả nợ môn thì biết. Đến nghe toàn những cái mình đã nghe một lần rồi, chán bỏ mẹ lên được. Chán thì nhiều người nản, nản thì dẫn đến bỏ. Mà bỏ thì rõ ràng là không đảm bảo yêu cầu đi học đủ, làm bài đủ rồi - đấy là anh tự bỏ cuộc nhé trung tâm không dí dao vào cổ anh bắt anh bỏ nhé. Thống kê láo một tí thì thấy trong lớp tín chỉ, đám sinh viên mà hay trốn nhất hầu hết là đám học lại. Lại bảo mình nói sai đi?

Học ở Lê Na thực sự là mệt. Học một mạch từ 6h đến 10h tối, duy nhất có một quãng nghỉ ngắn. Lớp thì đông, toàn trăm rưỡi hai trăm mạng nhét vào cái phòng nóng nực nên muốn ra ngoài giãn gân giãn cốt tí cũng khó. Bài tập cũng lắm nên mình cũng toàn làm láo nháo cho đến khi hiểu nguyên tắc là dừng chứ không chày cối làm cho hết. Nhưng ít nhất là 5 củ hồi ấy cũng không đến nỗi vứt hết vào sọt rác, vì hết khóa học mình cũng tiến bộ trong việc dùng ngữ pháp hơn, ít nhất là khi người khác chỉ ra lỗi sai là mình biết tại sao mình sai chứ không ú ớ như trước nữa.

Vậy nếu cho chọn lại trung tâm hay khóa học tiếng Anh, mình sẽ chọn theo tiêu chí nào?

  • Dẹp hết mấy thằng “cam kết đầu ra” đi, toàn cú lừa cả. Lý do đã phân tích ở trên.
  • Xác định rõ ràng mục tiêu hơn, vì dạo này các trung tâm cũng chuyên môn hóa nhiều hơn nếu chịu khó tìm. Ví dụ như đặt mục tiêu là học ngữ pháp, luyện phát âm, tăng vốn từ vựng, v.v…
  • Sẽ ưu tiên các trung tâm ít người. Lớp Lê Na hồi ấy đông quá, 200 mạng chắc được 10 cháu hay đóng góp được cô nhớ mặt, còn lại toàn người lạ nơi cuối con đường cả.
  • Nếu trung tâm có khả năng phản hồi kỹ càng với học viên thì đó là điều tốt nhất. Mấy trung tâm công nghiệp mà hay chạy ads trên facebook nhiều khả năng là không làm được điều này đâu.