Sau khi hoàn thành buổi phỏng vấn, mình cảm thấy sự tự tin tăng cao, cảm giác có thể cân cả thế giới. Mình có ấn tượng cực kỳ tốt với Emobi, và mình cũng cảm thấy Emobi cũng có thiện cảm với mình. Với một thằng sinh viên, vậy là đủ để mừng. 

Chắc mẩm đã có suất bước chân vào ngành game, hôm sau mình phi thẳng lên Viettel, hùng dũng thông báo nghỉ việc. Về nhà lại ngồi cày thêm sách vở, học Unity để chuẩn bị đi làm. Không liên quan nhưng hồi ấy mình vẫn ghét kiểu “kéo thả hạ đẳng” lắm, vừa học Unity vừa nuôi chí tạo ra engine riêng của mình cho Emobi xài. 

Cơ mà đời không như mơ. Chờ mòn mỏi không thấy thư hồi đáp. Các cụ ngày trước tương tư nhau, ngóng thư của nhau như thế nào thì mình cũng tựa tựa thế. Thời gian rảnh của mình thời đó khá nhiều, do vừa nghỉ ở Viettel, thành ra rất thường xuyên mình cứ nhìn vào cái điện thoại chờ mail báo về. Rồi sau khoảng 1 tháng tính từ ngày phỏng vấn, điện thoại mình rung lên báo có mail đến, với tiêu đề: “RE: Xin thực tập lập trình game tại Emobi Games.”  Mừng mừng tủi tủi mở ra xem, cơ mà nội dung lại không như mình mong chờ:

Mặc dù rất cảm kích việc anh Huy giám đốc đã bỏ thời gian ra thông báo cho mình, một thằng sinh viên thậm chí còn chưa gia nhập công ty, nhưng mình vẫn không ngăn được cảm giác buồn bã. Sau này đi làm nhiều mới hiểu, ngành game vốn thay đổi nhanh, biến động nhiều, nên chẳng có gì chắc chắn cả, không có gì phải buồn. Những bài sau của ký sự, mình sẽ kể thêm vài biến cố nữa. Mục đích không phải doạ nạt các bạn newbie, càng không phải kể khó kể khổ, mà chỉ đơn giản là sự thật nó thế, mình không thay đổi được. Với các bạn mới, các bạn có thể hiểu rõ hơn những gì đang chờ đợi các bạn. Còn với những người đã và đang làm việc trong ngành game, loạt bài này giống như ngồi trà đá chém gió với một thằng xa lạ (mình) về chuyện nghề vậy. 

Bằng chứng cho sự thật biến đổi nhanh và đầy bất ngờ của ngành game, đó là 3 tháng sau, lúc mình đang tất bật chuẩn bị cho các bài bảo vệ bài tập lớn và thi cuối kỳ, chẳng có suy nghĩ gì đến việc đi làm, anh Huy giám đốc lại liên lạc với mình để rủ mình đi làm. Nội dung cũng chẳng có gì, chỉ cho biết lịch làm việc, nhắc mình chuẩn bị thông tin cá nhân để làm thủ tục, và cuối cùng là bảo mình là không phải chuẩn bị máy móc vì công ty sẽ chuẩn bị cho. Thế là lại hí hửng đi làm.

Buổi đầu đến công ty, mình được phân vào một đội gồm 5 người, trong đó có một chị cũng là thực tập, làm hoạ sĩ 2D, mới gia nhập giống mình, ba anh kia thì đã ở công ty được một thời gian. Một anh cũng là hoạ sĩ 2D, anh nữa là lập trình viên, mình được dặn là có gì khó khăn thì cứ lôi anh ý ra mà hỏi. Anh còn lại là game designer. Tiện kể, thì đại khái một công ty phát triển game sẽ bao gồm các vai trò cơ bản sau:

[caption id=”” align=”aligncenter” width=”960”] Quang cảnh công ty Hiker Games. Ảnh chụp cũng 3 năm rồi, giờ cũng thay đổi nhiều chút.[/caption]

  • Lập trình viên/kỹ sư phần mềm/thằng viết code: chính là mình. Nhiệm vụ của lập trình viên, tất nhiên là.. lập trình. Đùa đấy, lập trình là một phần của công việc thôi. Bọn mình sẽ phải kiểm tra xem code mình viết có chạy như dự định không, rồi tìm lỗi và sửa nếu có cái gì không đúng mong đợi. Ở các studio cỡ lớn hơn, vai trò của lập trình viên sẽ được phân định rõ ràng hơn, người chuyên làm gameplay, người chuyên làm UI, người làm engine (đối với các studio có engine riêng), người làm tool phục vụ anh em, vân vân và mây mây. Thôi lan man quá, anh em chịu khó đọc bài cũ của mình về vấn đề này vậy (tiếng Anh).
  • Artist: từ này mình hơi khó dịch sang tiếng Việt, vì nghĩa của nó hơi rộng. Hiểu nôm na thì ông này chuyên đảm nhiệm mặt đồ hoạ của game. Cũng như lập trình viên, artist được chia thành nhiều vai nhỏ hơn: 2D thì có giao diện và concept (ý tưởng); 3D thì có dựng hình cho nhân vật, cho môi trường. Tiện cũng kể luôn, hồi trước mình cứ tưởng artist là phải nghệ, phải phong trần, phải bụi bặm. Nhưng lead artist bên mình đã từng nói rằng vẽ vời cũng là một kỹ năng, mà kỹ năng thì phải mài giũa, mà mài giũa thì phải kỷ luật chứ không thể thích thì làm không thích thì nghỉ được.
  • Diễn hoạt/animator: hình ảnh 2D hoặc mô hình 3D do artist sản xuất là tĩnh. Để những thứ này chuyển động như những gì chúng ta thấy ở trong game, chúng phải được đưa qua cho đội này xử lý. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để làm sao chuyển động được mượt mà, chân thực và có hồn thì cũng phải rèn luyện ốm đòn đấy (đấy là còn chưa kể tới các vấn đề kỹ thuật và tối ưu hiệu năng của chuyển động nhé).
  • Hiệu ứng/Visual effect (VFX): đội hiệu ứng chịu trách nhiệm cho các cảnh khói lửa, cháy nổ diễn ra trong game. Những hiệu ứng này là yếu tố không thể thiếu giúp tạo điểm nhấn cho những khu vực quan trọng của game, qua đó giúp người chơi hoà nhập tốt hơn với thế giới ảo mà nhà phát triển tạo ra. Cũng theo lead artist của bên mình, đồ hoạ đẹp đến đâu thì đẹp, phần hiệu ứng mà không được trau chuốt thì coi như mặc áo vét thời trang hàng hiệu với quần đùi chợ Đồng Xuân.
  • Game designer: đây là vị trí mà mình cho rằng bên tuyển dụng sẽ gặp khó khăn rất nhiều, vì không có nhiều trường lớp đào tạo ở Việt Nam. Đặc thù nghề nghiệp cũng khá trừu tượng, theo góc nhìn của mình. Game designer là người vạch ra cái xương sống của game, game có luật chơi như thế nào, thử thách đặt ra cho người chơi ra sao, màn chơi có những gì, rồi cân bằng thông số sao cho trò chơi không bị quá khó hoặc quá dễ.
  • Tester: công việc của tester, đúng theo tên gọi, là chơi game xem game hoạt động có đúng như được mô tả không. Không nhàn đâu, phải vô cùng tỉ mỉ đấy. Dân lập trình, bao gồm cả mình, thường không thể kiểm soát hết là có lỗi gì đang xảy ra, do vậy sự có mặt của đội test làm mình thấy rất yên tâm, vì họ sẽ tìm ra được những lỗi mà lập trình viên không lường trước được. Đừng tin những bài nói về việc lập trình viên ghét tester vì họ bới ra lỗi, không có họ thì sản phẩm còn lâu mới xong được.

Kể sơ sơ vậy mà cũng dài quá, mình xin dừng bài lần này tại đây. Bài sau mình sẽ tiếp tục nói về công việc của mình khi đi thực tập tại Emobi. Không phải kiểu thực tập pha trà, bấm máy in đâu, thề hứa đảm bảo.